(PLO) - Vừa qua, cáo trạng mới của VKSND TP.Hà Nội về vụ Thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường truy tố bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường theo hướng tăng nặng mà không thay đổi tội danh. Cáo trạng mới góp phần trấn an dư luận, song lại bị “soi” vì điều khoản tăng nặng bộc lộ sự thiếu vững chắc dựa trên những căn cứ pháp lý.
Cáo trạng chưa thuyết phục?
Thạc sĩ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) cho biết, so với bản cáo trạng lần 1, Nguyễn Mạnh Tường bị thay đổi điều khoản truy tố từ khoản 1, sang khoản 3 của Điều 242 - Tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Từ đó, Tường sẽ phải đối mặt với án phạt tù cao hơn so với bản cáo trạng cũ.
Cụ thể, bác sĩ Tường có thể đối mặt với mức án tù lên tới 20 năm khi tổng hợp hình phạt (tối đa 15 năm tù cho tội danh vi phạm quy định khám chữa bệnh và 5 năm tù cho tội danh xâm phạm thi thể, mồ mả) thay vì 10 năm tù như cáo trạng ban đầu. Theo đó, hành vi phạm tội của cựu Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường được nâng mức độ nguy hiểm.
Nếu trước đây, việc truy tố tội danh bị cáo Tường chỉ bị truy tố ở trường hợp “gây thiệt hại cho tính mạng của người khác” thì nay, mức độ hậu quả của Nguyễn Mạnh Tường được truy xét ở mức “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể thế nào được coi là phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tội vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Điều này sẽ gây tranh luận giữa luật sư bảo vệ cho bị cáo Tường với cơ quan tố tụng tại phiên toà sắp tới.
Dư luận đồng tình với việc truy tố theo hướng tăng nặng, tuy vậy theo các chuyên gia pháp lý căn cứ pháp luật về việc tăng nặng hình phạt như trên lại chưa vững chắc, thiếu thuyết phục.
Phân tích theo hướng này, Luật gia Dương Văn Tuệ (nguyên Chánh án Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô) cho rằng pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn riêng, cụ thể về việc thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đối với tội danh trên. Theo Thông tư liên tịch số 02/2001 của VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp ban hành ngày 25/12/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV về “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự 1999.
Theo đó, để xem xét trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng về nguyên tắc chung phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả (thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng và các thiệt hại phi vật chất khác).
Trong vụ án này bác sĩ Tường chỉ làm chết 1 người, phải chăng cơ quan tố tụng cho rằng việc làm đó gây ảnh hưởng về an ninh trật tự, an toàn xã hội nên xác định là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng? Nếu vậy thì nhận định này chưa thực sự thuyết phục. Mặt khác, Thông tư 02 chỉ có ý nghĩa tham khảo để áp dụng tương tự.
Sẽ khiếu nại cáo trạng?
Lý giải cáo trạng lần 2 vẫn không truy tố bác sĩ Tường tội danh “Giết người”, Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh phân tích, để thay đổi tội danh thành giết người cho bị cáo Tường trong vụ án này phải có điều kiện cần và đủ.
Điều kiện cần là phải tìm thấy thi thể nạn nhân thì đã có. Điều kiện đủ là tiến hành khám nghiệm tử thi để kết luận về nguyên nhân chết, thời điểm nạn nhân chết. Không có kết quả giám định pháp y khẳng định nạn nhân chết sau khi bị ném xuống sông do ngạt nước thì không đủ cơ sở pháp lý truy cứu bị cáo Tường về tội “Giết người”, với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm” (Điểm O, Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự) do có hành động ném xác xuống sông để phi tang.
Theo một số thông tin thì gia đình nạn nhân Huyền không đồng ý với bản cáo trạng trên và đang phối hợp cùng luật sư để khiếu nại. Câu hỏi đặt ra, có được quyền khiếu nại cáo trạng hay không?
Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Và người khiếu nại có quyền: “Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự”.
Trường hợp khiếu nại cáo trạng trong vụ án này, thầm quyền giải quyết được Điều 330 Bộ luật TTHS quy định như sau: “Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng”.
Cách dùng thuốc khó hiểu
Sau phiên tòa bị hoãn ngày 14/4/2014, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập Hội đồng khoa học đánh giá, một số thuốc dùng để pha trộn dùng trong quá trình phẫu thuật, có hai loại là Getamicin và Vitamin C. Hội đồng khoa học không hiểu, Tường pha hai loại thuốc này vào để làm gì.
Đối với thuốc gây tê (Lidocain 5%), việc sử dụng một chai loại 500ml theo Hội đồng khoa học đánh giá là quá cao và có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Đối với liều lượng mà Tường sử dụng cao gấp 1,5 lần so với chuẩn quốc tế. Chị Huyền có biểu hiện co giật trong quá trình phẫu thuật, được Tường sử dụng thuốc Diazepam nhằm cắt cơn cơ giật là không đúng.
Đối với quy trình phẫu thuật bằng phương pháp để cho mỡ lắng không qua ly tâm, được cựu bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật là không đúng với quy trình chuẩn./.