Cân nhắc về quyền im lặng

Cân nhắc về quyền im lặng

“Ở góc độ nào đó thì quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong luật, chỉ không phải là quy định trực tiếp mà thôi” - đại diện của Bộ Tư pháp đã nêu quan điểm tại cuộc họp báo quý III của Bộ Tư pháp ngày 16.10.

Luật Hộ tịch sẽ giúp giảm 21 thủ tục hành chính

Về vấn đề chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch, ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết: Trước nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, không cần cấp giấy khai sinh cho trẻ em (theo dự thảo Luật Hộ tịch), thay vào đó là thẻ căn cước công dân (theo dự thảo Luật Căn cước công dân), Chính phủ đã có 2 công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện quan điểm việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh là cần thiết bởi việc này phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc cấp thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người đủ từ 14 tuổi trở lên.

Nếu được quyền im lặng, biết đâu sẽ không có vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) ?

Lý giải rõ hơn, ông Dũng phân tích: Căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân để phân biệt người này với người khác. Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa phù hợp với khái niệm "căn cước" trong dự thảo luật, vì từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định, trong khi đó các đặc điểm gốc tích của trẻ em chủ yếu là thông tin về khai sinh. Việc bỏ cấp giấy khai sinh và thay thế bằng thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho rằng, khi Luật Hộ tịch được Quốc hội dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 khóa XIII, các thủ tục hành chính sẽ giảm từ 46 xuống còn 25 thủ tục cho công dân. "Các loại giấy tờ khác cũng giảm rất nhiều vì Chính phủ chỉ đề nghị giữ lại giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn, những thông tin còn lại của công dân sau khi đăng ký được Nhà nước lưu vào hệ thống dữ liệu điện tử, khi người dân cần thì cấp trích lục mà không cần giữ những giấy tờ liên quan"- ông Khanh cho hay.

Cân nhắc quy định trực tiếp về quyền im lặng

Về vấn đề quyền im lặng của người bị bắt, bị can, bị cáo để chờ luật sư, tránh việc bức cung, mớm cung được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo, TS Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết: Sau khi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến về vấn đề trên, Ban soạn thảo dự án Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi và các chuyên gia đã họp và có nhiều ý kiến khác nhau. "Qua rà soát, chúng tôi thống nhất quan điểm là mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định trực tiếp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam có quyền im lặng nhưng thực tế đã có quy định rồi. Cụ thể, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam có quyền được trả lời chứ không có nghĩa vụ phải trả lời. Quyền được thông tin cho cơ quan điều tra, cán bộ điều tra biết về hành vi của mình nhằm để gỡ tội chứ không có nghĩa vụ phải trả lời. Ở góc độ nào đó quyền im lặng đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam nhưng không trực tiếp mà thôi" - ông Trần Văn Dũng khẳng định.

Vấn đề đặt ra là trong việc sửa đổi bộ luật tố tụng sắp tới thì quyền im lặng có được quy định một cách trực tiếp không vì quyền im lặng sẽ liên quan đến nhiều vấn đề khác khá quan trọng như trợ giúp pháp lý, trợ giúp của luật sư.

"Vấn đề này đã bàn thảo rất nhiều, cần phải cân nhắc bởi khả năng đáp ứng trợ giúp pháp lý ở nước ta còn nhiều bất cập. Số lượng luật sư, trợ giúp viên pháp lý so với số bị can, bị cáo hằng năm chênh lệch rất lớn. Sự phân bố của luật sư và trợ giúp viên pháp lý ở các vùng miền cũng rất khác nhau. Nếu quy định trực tiếp thì vô hình trung sẽ dẫn tới sự bất cập trong thực hiện"- TS Trần Văn Dũng cho hay.

Trích nguồn:http://danviet.vn

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right