Ảnh minh họa một phiên tòa mẫu ở TAND TP.Nam Định
(PLO) - Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, trong bối cảnh số lượng luật sư chưa đủ hiện nay thì rất cần những hướng dẫn cụ thể hơn về chế định bào chữa viên nhân dân để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng gia tăng của người dân.
Tham gia tố tụng rất hiếm hoi
Điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy định người bào chữa có thể là luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Trong đó, bào chữa viên nhân dân là người bào chữa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức thành viên của MTTQ cử ra để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức này.
Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 2/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một người được coi là bào chữa viên nhân dân khi người đó được Ủy ban MTTQ, tổ chức thành viên của MTTQ cử ra bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Tòa án sẽ căn cứ vào giấy giới thiệu của Ủy ban MTTQ hoặc tổ chức thành viên từ cấp xã, phường trở lên mà cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bào chữa viên nhân dân.
Theo Thông tư số 70/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự tại BLTTHS thì thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với bào chữa viên nhân dân được tiến hành khi có đủ 4 loại giấy tờ gồm bản sao giấy chứng minh nhân dân; giấy giới thiệu của Ủy ban MTTQ, tổ chức thành viên của MTTQ nơi người bị giam giữ, bị can là thành viên; giấy tờ chứng minh là thành viên của Ủy ban MTTQ, tổ chức thành viên của MTTQ cử đến; văn bản của người bị tạm giữ, bị can đề nghị MTTQ Việt Nam, tổ chức thành viên của MTTQ nơi người bị tạm giữ, bị can là thành viên cử người bào chữa cho họ.
Thế nhưng, điều đáng nói là cả Nghị quyết 03 lẫn Thông tư 70 đều chỉ đề cập đến điều kiện cấp giấy chứng nhận người bào chữa mà không quy định điều kiện, tiêu chuẩn để một người được công nhận là bào chữa viên nhân dân, thẩm quyền công nhận bào chữa viên nhân dân, quyền và nghĩa vụ của bào chữa viên nhân dân, cách thức tổ chức, quản lý và cử tham gia bào chữa.
Trong thực tế, hoạt động của bào chữa viên nhân dân cũng không được tổ chức thành một hệ thống nên chức danh này tuy vẫn được ghi nhận trong BLTTHS đang có hiệu lực thi hành nhưng bào chữa viên nhân dân tham gia tố tụng rất hiếm hoi. Vai trò của bào chữa viên nhân dân đang dần bị quên lãng và hiện nay khi nói đến người bào chữa thì người ta thường nghĩ ngay đến luật sư.
Quy định đầy tính nhân văn cần được hướng dẫn cụ thể
Có điều, cả nước hiện mới có 8.675 luật sư và gần 500 trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt số vụ án hình sự có người bào chữa ở nước ta mới khoảng 20% (gồm cả luật sư tham gia theo diện chỉ định), 80% các vụ án hình sự còn lại bị cáo “trắng” người bào chữa. Tỷ lệ luật sư nước ta cũng mới ở mức trung bình là 1 luật sư/14.000 người dân, trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526, Singapore là 1/1.000, Pháp là 1/1.000, Mỹ là 1/250.
Bên cạnh số lượng luật sư so với dân số còn rất thấp, đội ngũ luật sư lại phát triển mất cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng, trung du và vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn. Số lượng luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nhất là TP.Hà Nội và TP.HCM, còn tại nhiều địa phương, số lượng luật sư không đủ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng gia tăng của người dân, ngay cả trong việc thực hiện bào chữa trong các vụ án bắt buộc có sự tham gia của luật sư.
Thực trạng trên đang đặt ra yêu cầu cần phải mở rộng phạm vi những người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cả về phương diện pháp lý lẫn thực tiễn. Bởi pháp luật đã quy định không chỉ có luật sư là người bào chữa mà cho phép cả người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân được tham gia. Có thể thấy, đây là quy định “mở” đầy tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không có điều kiện mời luật sư bào chữa thì có thể nhờ anh em, người thân… có năng lực, trình độ pháp lý, hiểu biết nhất định để giúp mình bào chữa trước Tòa.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, trong tương lai cần nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi của những người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa không chỉ giới hạn trong khuôn khổ quy định của BLTTHS hiện hành để đảm bảo quyền được bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Trước mắt, để đảm bảo các vụ án hình sự có người bào chữa tham gia, đảm bảo hoạt động tranh tụng trong tố tụng hình sự, tại một hội thảo mới đây, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam Tạ Thị Minh Lý đề xuất cần có quy định cụ thể về chế định bào chữa viên nhân dân bằng một nghị định hoặc thông tư liên tịch. Liên ngành Tư pháp Trung ương cần thống nhất hướng dẫn điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của người muốn trở thành bào chữa viên nhân dân, trình tự thủ tục tham gia tố tụng, việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm…, góp phần mở rộng người bào chữa tham gia tố tụng, đảm bảo cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện tốt quyền được bào chữa cũng như tận dụng được sự đóng góp cho xã hội của những người am hiểu pháp luật mà không hành nghề luật sư.