Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tích cực tham gia công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn với tư cách là thành viên của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương. Đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình, Bộ Tư pháp đặt ra 6 nhiệm vụ cụ thể.
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền quán triệt các nhiệm vụ cải cách tư pháp của Bộ Tư pháp theo Kết luận số 92-KL/TW
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Kết luận 92 có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện thể chế và một số lĩnh vực hoạt động của Bộ, từ đó đòi hỏi phải xác định được những giải pháp đột phá để thực hiện hiệu quả, thiết thực nội dung của Kết luận, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ và của từng đơn vị thuộc Bộ.
Giữ nguyên mô hình tổ chức các cơ quan thi hành án
Tham dự Hội nghị của Bộ Tư pháp, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương Nguyễn Tất Viễn khẳng định, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020 về cơ bản là đúng đắn. Thời gian 8 năm triển khai Nghị quyết 49 là cuộc CCTP lần thứ 3, được các chuyên gia pháp luật đánh giá là cuộc cải cách triệt để, sâu sắc, toàn diện, nhưng vẫn còn nhiều nhiệm vụ của Chiến lược CCTP chưa thực hiện được.
Vì vậy, ông Viễn cho biết, Kết luận 92 xác định các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương cần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tiếp tục triển khai những mục tiêu, quan điểm, phương hướng CCTP nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW vẫn còn phù hợp; đồng thời quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI và các quy định mới của Hiến pháp 2013 có liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp.
Thông báo một số nội dung cơ bản của Báo cáo tổng kết 8 năm triển khai Nghị quyết 49, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã giới thiệu 4 vấn đề chính của Kết luận 92 về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược CCTP, về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP trong thời gian tới, về thời hạn bổ nhiệm và tuổi nghỉ hưu của thẩm phán TAND, về công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý Kết luận 92 đã điều chỉnh một số nội dung về quan điểm và nhiệm vụ CCTP nêu trong Nghị quyết 49.
Đáng chú ý là bổ sung nội dung “kiểm sát” giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan điều tra chuyên trách tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC và Viện kiểm sát Quân sự Trung ương như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan; tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức TAND, VKSND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức các cơ quan thi hành án như hiện nay, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của TAND và UBND các địa phương trong công tác thi hành án.
Thể chế các quy định của Hiến pháp năm 2013
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tích cực tham gia công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn với tư cách là thành viên của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương. Đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình, Bộ Tư pháp đặt ra 6 nhiệm vụ cụ thể. Đó là tham mưu cho Chính phủ xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp, trước hết là thể chế các quy định của Hiến pháp năm 2013 trong các văn bản pháp luật; chuyển trọng tâm của CCTP từ xây dựng thể chế sang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án và bổ trợ tư pháp.
Bộ cũng sẽ lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự (THADS) thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cá nhân, tổ chức và Nhà nước trong THADS, hành chính; tăng cường năng lực tiếp cận của người dân đối với các thiết chế bổ trợ tư pháp và bán tư pháp; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn lực, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ tư pháp, nhất là các chức danh tư pháp…
Các đại biểu đã thống nhất nhận thức trong thời gian tới, cùng với sự đổi mới, hoàn thiện hoạt động lập pháp, cải cách hành chính, cũng đặt ra yêu cầu phải đề ra những nội dung cải cách hệ thống tư pháp sao cho phù hợp, đồng bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chính trị nói chung. Từ đó, tập trung thảo luận vào các phương hướng, giải pháp hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực do ngành Tư pháp quản lý; nâng cao hiệu quả hoạt động THADS, hành chính; chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp; đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực ngành Tư pháp… nhằm đáp ứng yêu cầu CCTP trong thời gian tới.t.q
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị cũng như sớm tổ chức Kế hoạch 80-KH/BCS của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW. Kế hoạch 80 đã xác định nhiều nhiệm vụ CCTP nên Thứ trưởng yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị thuộc Bộ và đơn vị làm đầu mối phải sát sao hơn trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP.
Trích Nguồn: http://www.baomoi.com
|