Không đơn giản để chuyển dự án nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại để được vay từ gói 30.000 tỷ đồng
(PLO) - Trong khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đang giải ngân với “tốc độ rùa” thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại ấp ủ một gói tín dụng mới, trong đó cán bộ công chức có thể được vay tới 2 tỷ đồng để mua nhà. Thông tin này thu hút sự quan tâm của dư luận với sự vui mừng xen lẫn hoài nghi…
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Hàm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV - cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung gói 30.000 tỷ đồng còn hạn chế, nhu cầu mua căn hộ thương mại còn rất lớn thì việc có thêm một gói tín dụng bên cạnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là cần thiết.
Lãi suất hấp dẫn chỉ cố định trong thời gian đầu
Theo ông Lực, với đối tượng vay được xác định rõ ràng như vậy thì các ngân hàng cũng rất yên tâm về độ rủi ro hay nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN cần phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và người dân trước khi ban hành…
Vị này giải thích, 2 tỷ đồng là mức vay tối đa và ngân hàng khuyến khích người vay có một phần vốn của mình, điều này thể hiện tình hình tài chính và mức độ cam kết của người vay. Mức lãi suất 6 - 7,5% trong 10 năm là khá hấp dẫn, vì theo ông Lực, lãi suất cho vay doanh nghiệp trung và dài hạn hiện nay đã vào khoảng 10%/năm. “Tôi e rằng đây không phải lãi suất cố định vì không ai cố định lãi suất trong 10 năm cả. Điều này có thể thiệt hại cho cả người vay. Vì thế lãi suất có thể cố định thời gian đầu, sau đó thả nổi trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa ngân hàng và người vay…” - TS Lực chia sẻ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cũng tỏ ra băn khoăn về mức lãi suất này. Ông cho biết, các ngân hàng huy động tiết kiệm dài hạn (12 tháng - 36 tháng) lãi suất trung bình đã lên tới 7,5% (có một số ngân hàng còn huy động với lãi suất trên 8%/năm) thì lấy đâu nguồn vốn rẻ để cho vay nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước?
Với mong muốn có nhà ở lâu dài, gia đình anh Bùi Xuân Trường (Hà Đông, Hà Nội) dự định mua căn hộ cao cấp một chút. Với thu nhập 2 vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng, nuôi hai con ăn học, tiết kiệm hàng tháng anh chị cũng chỉ để ra được mấy triệu đồng phòng khi đau ốm. “Nếu có gói tín dụng này, chúng tôi sẽ cân nhắc bán căn hộ cũ đi, vay thêm mua căn hộ khác để cải thiện cuộc sống, các cháu cũng lớn rồi, cần có phòng riêng…” - anh Trường chia sẻ. Tuy nhiên, anh Trường vẫn băn khoăn về số tiền phải trả hàng tháng. “Nếu vay 1 tỷ đồng, hàng tháng phải bỏ ra 13 triệu thì cũng hơi căng” - anh Trường băn khoăn.
Đừng quá kỳ vọng vào các “gói cho vay”
Trước đó, tại Hội thảo “Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Ngân hàng và Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank phối hợp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà trị giá tối đa 2 tỷ đồng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Theo ông Đông, gói tín dụng mới này sẽ không còn rào cản về tiêu chuẩn, diện tích, phân khúc nhà như gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, một hộ gia đình có thể vay tới 2 tỷ đồng, bằng khoảng 75% tổng giá trị căn hộ mà người vay mua, với thời gian vay tối đa là 10 năm, lãi suất dao động khoảng 6-7,5%/năm. Người vay sẽ dùng chính căn nhà làm tài sản để thế chấp khi vay vốn…
Ông Đông cũng lưu ý, gói tín dụng sẽ hướng đến những người có thu nhập trung bình khá trở lên có thể vay tiền ngân hàng để mua căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp và nhà liền kề... Theo tính toán của cơ quan này, để được vay tiền từ gói tín dụng trên, tổng thu nhập bình quân hàng tháng của cả gia đình khoảng 25 triệu đồng trở lên. Và với 1 tỷ đồng tiền vay, nếu vay trong 10 năm, với lãi suất 6%/năm thì số tiền cả gốc lẫn lãi mỗi tháng hộ gia đình đó sẽ phải trả khoảng 13 triệu đồng. Như vậy, sẽ còn lại tối thiểu 50% tổng thu nhập để chi tiêu dùng sinh hoạt hàng ngày…
“Nếu gói tín dụng này được chấp thuận sẽ hỗ trợ rất lớn cho cả nền kinh tế chứ không chỉ là doanh nghiệp bất động sản hay các ngân hàng và người mua nhà. Nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn, nếu chính sách này được chấp thuận, có thể chỉ trong một thời gian ngắn, vài chục ngàn tỷ đồng sẽ được giải ngân…” - ông Đông hào hứng…
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp luật Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nếu nhanh thì chính sách này sẽ được ban hành trong quý IV để triển khai trong năm sau và cũng đừng quá kỳ vọng vào sự khởi sắc sớm của thị trường bởi chính sách bao giờ cũng có độ trễ…
Để các ngân hàng mặn mà với gói tín dụng mới này, theo ông Lực, có 3 việc phải làm. Thứ nhất, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, NHNN, Bộ Xây dựng; thứ hai, có sự hỗ trợ lãi suất của NHNN thông qua tái cấp vốn; thứ ba, phải tạo ra sự thanh khoản của thị trường thông qua thị trường mua bán nợ sau cho vay…
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng tỏ ý hoài nghi về ý tưởng này. Ngoài câu chuyện khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để giữ lãi suất 6-7,5%/năm ổn định trong cả thập kỷ thì NHNN cũng khó thuyết phục công luận nếu định hỗ trợ lãi suất cho riêng thành phần cán bộ công chức – những người đã có thu nhập “khoảng 25 triệu đồng/tháng”.
Kể từ khi bất động sản “đóng băng”, nhiều gói tín dụng đã được công bố rùm beng nhằm vực dậy thanh khoản thị trường, tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn rồi bản thân các gói này cũng tự “đóng băng”, chỉ có người dân cần mua nhà là “dài cổ” chờ.