(PLO)- Dù người dân được phép sử dụng pháo hoa không nổ do Bộ Quốc phòng sản xuất; tuy nhiên không phải cá nhân, tổ chức nào cũng được phép kinh doanh mặt hàng này.
Dạo quanh các hội nhóm mua bán pháo hoa trên Facebook, không khó để bắt gặp các bài đăng bán pháo hoa không nổ với giá từ vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, cần hiểu rằng dù các loại pháo hoa này được phép sử dụng nhưng không phải ai cũng có thể kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Hiện nay việc quản lý và sử dụng pháo hoa được quy định tại Nghị định 137/2020.
Pháo hoa được hiểu là sản phẩm khi có tác động sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian; không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo mà người dân được phép sử dụng, thường được gọi là pháo hoa không nổ.
Các loại pháo hoa nổ được xếp vào nhóm “pháo nổ” và người dân không được phép sử dụng.
Theo Điều 17 Nghị định 137/2020, cơ quan, tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo quy định hiện hành, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy. Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn.
Ngoài ra, chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Do đó, đối với mặt hàng là pháo hoa thì chỉ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được sản xuất, kinh doanh.
Cá nhân, tổ chức khác không được kinh doanh bao gồm cả việc mua pháo hoa về để rao bán lại. Trường hợp cá nhân, tổ chức mua pháo hoa về để bán lại, tùy tính chất hành vi, quy mô hoạt động và hậu quả xảy ra thì có thể bị xử phạt về những hành vi sau:
Một là, hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì bị phạt tiền 10- 20 triệu đồng, theo điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021.
Hai là phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi bảo quản, bố trí, sắp xếp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc vượt quá số lượng, khối lượng hoặc sắp xếp không bảo đảm khoảng cách, không theo từng nhóm chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật theo khoản 2 Điều 32 Nghị định 144/2021.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trường hợp hành vi buôn bán hàng hàng cấm có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).