Người dân rất quan tâm tới các quy định của pháp luật tác động đến cuộc sống hàng ngày của họ
(PLO) - Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, tại Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đang đề xuất một giải pháp đổi mới căn bản quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
Đó là tách quy trình xem xét, phân tích, đánh giá chính sách làm một quy trình riêng và được phê duyệt trước quy trình soạn thảo, thông qua dự thảo VBQPPL. Liệu giải pháp này có thực sự là một “đột phá”?
Phải bảo vệ chính sách trong suốt quá trình
Nhằm bảo đảm chất lượng của các chính sách trong dự án luật, pháp lệnh, Dự thảo Luật quy định cụ thể, chặt chẽ hơn so với Luật hiện hành về kiểm soát chất lượng của chính sách thông qua hoạt động lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra.
Cụ thể: Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị trong việc đăng tải đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách, trong đó nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến; tổ chức họp báo để giới thiệu về các chính sách cơ bản trong dự án luật, pháp lệnh và định hướng cụ thể hóa các chính sách đó trong dự thảo luật, pháp lệnh.
Các chủ thể trình dự án, dự thảo văn bản có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, bảo vệ chính sách trong suốt quá trình thảo luận, thông qua dự án, dự thảo văn bản; chịu trách nhiệm liên tục về các chính sách do mình đề xuất, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua chấp thuận thì phải tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện và trình lại theo đúng quy trình luật định.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định: “Ưu điểm lớn của quy trình mới là khâu xây dựng, đánh giá, phê duyệt chính sách trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản được chú trọng và được kiểm soát chặt chẽ với trách nhiệm rõ ràng của Quốc hội và các cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của luật, pháp lệnh và tránh lãng phí về thời gian, nguồn lực cho hoạt động soạn thảo văn bản”.
Xây dựng nghị định cũng phải có báo cáo đánh giá tác động
Đối với quy trình xây dựng chính sách của nghị định, Dự thảo Luật quy định rõ đề nghị xây dựng nghị định phải dựa trên kết quả nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn; yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đã có kế hoạch trở thành thành viên.
Đồng thời, Dự thảo Luật yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định đến các Bộ có liên quan để lấy ý kiến về tính hợp lý của nguồn tài chính dự kiến, tính hợp lý của nguồn nhân lực dự kiến, tác động đối với môi trường, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc đã có kế hoạch trở thành thành viên.
Khác với Luật năm 2008, Dự thảo Luật quy định hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định bao gồm tờ trình, báo cáo đánh giá tác động từng định hướng chính sách, báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách. Đề nghị xây dựng nghị định phải được Hội đồng Tư vấn chính sách của Chính phủ thẩm định trước khi trình Chính phủ thông qua. Việc Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị định chính là xem xét, thông qua từng chính sách trong nghị định. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan tiến hành soạn thảo dự thảo nghị định.
Làm rõ phạm vi tác động của nghị quyết của HĐND
Tương tự như quy trình xây dựng chính sách trong luật, pháp lệnh và nghị định, đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh cũng phải nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết; đối tượng, phạm vi tác động của văn bản; nội dung chính của nghị quyết; thời gian dự kiến đề nghị HĐND xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết.
Để đề xuất được các chính sách trong nghị quyết, ngoài việc tổng kết thi hành pháp luật liên quan đến nghị quyết, Dự thảo Luật yêu cầu cơ quan đề nghị phải đánh giá tác động từng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động phải nêu các chính sách cơ bản; mục tiêu, các giải pháp đối với từng vấn đề; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; sự lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do lựa chọn. Đây là điểm mới của Dự thảo Luật so với Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND năm 2004.
Việc tách quy trình xem xét, phân tích, đánh giá chính sách làm một quy trình riêng và được phê duyệt trước quy trình soạn thảo, thông qua dự thảo VBQPPL được tin tưởng là một giải pháp đột phá nhằm khắc phục tình trạng “ngồi phòng điều hòa làm luật”, làm xuất hiện không ít văn bản “từ trên trời rơi xuống” khiến người dân phải “dở khóc, dở cười”.
Trích Nguồn: http://baophapluat.vn