- Một số ý kiến cho rằng việc chuyển nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp bằng lái xe sang Bộ Công an sẽ dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thậm chí là vũ trang hóa nhiệm vụ ngành dân sự.
Chiều 29-9, Cục CSGT (C08, Bộ Công an) tổ chức hội nghị thông tin với báo chí về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).
Tách hai dự án luật là cần thiết
Tại hội nghị, C08 khẳng định việc tách hai dự án Luật GTĐB (sửa đổi) và Luật Bảo đảm TTATGTĐB là cần thiết, phù hợp với xu thế chuyên sâu hóa trong xu thế xây dựng pháp luật hiện nay.
Theo C08, Luật GTĐB hiện nay chưa giải quyết được hai vấn đề lớn là ATGT và phát triển hạ tầng. Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật, không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về ATGT… Trước yêu cầu bảo vệ tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, Luật Bảo đảm TTATGTĐB được xây dựng, quy định cụ thể trách nhiệm này thuộc về Bộ Công an với quan điểm xây dựng luật lấy con người là trung tâm.
Bên cạnh đó, C08 cho rằng nếu việc sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) được quy định như trong dự thảo luật (chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an), cơ quan chức năng sẽ quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. Điều này cũng đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật; phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông.
Trước lo ngại việc chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX giữa hai bộ sẽ gây ra xáo trộn, C08 cho hay hiện cả nước có trên 1.655 sát hạch viên, trong đó có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý, chỉ cần sắp xếp liên quan đến số cán bộ này, việc bố trí lại nhiệm vụ sẽ không gặp khó khăn.
Về phía Bộ Công an, lực lượng được phân thành bốn cấp, trong bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo ba cấp (bộ, tỉnh, huyện), gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế. Ngoài ra, Bộ Công an cũng được đầu tư, trang bị hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện bố trí tới cấp huyện, phần mềm in và quản lý GPLX của ngành công an tại Cục CSGT và công an 63 địa phương.
Vì thế, khi tiếp quản hệ thống quản lý của Bộ GTVT, Bộ Công an chủ yếu kết nối, đồng bộ hóa phần mềm ứng dụng sử dụng, không gây tốn kém lớn về chi phí, không gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao và triển khai thực hiện.
Cùng với đó, người dân sẽ được tự do lựa chọn về đào tạo, sát hạch, được công khai, minh bạch, công bằng, tiết kiệm được thời gian học và được thụ hưởng đúng theo mức phí đã bỏ ra. Đặc biệt, Bộ Công an sẽ tổ chức thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại GPLX đến công an cấp xã, đảm bảo nhanh gọn, chính xác, phục vụ người dân ngay tại cơ sở.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TP
Không có việc “vũ trang hóa”
Đáng chú ý, một số ý kiến băn khoăn việc chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an sẽ dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự.
C08 cho rằng công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là quản lý hành vi của người lái xe tham gia giao thông, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người lái xe - chủ thể quyết định đến an toàn giao thông.
“Chính kiến thức, kỹ năng, ý thức kém của nhiều lái xe đã gây ra tình trạng giao thông lộn xộn, mất trật tự hiện nay, gây ra nhiều vụ ùn tắc giao thông do thiếu ý thức nhường đường, chen lấn trong giờ cao điểm ở các đô thị lớn” - C08 nêu.
Bên cạnh đó, C08 khẳng định rất nhiều vụ phạm tội sử dụng phương tiện giao thông để gây án chỉ bị phát hiện và xử lý thông qua công tác nghiệp vụ của ngành công an.
Cũng theo cơ quan này, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang có rất nhiều sơ hở, bất cập, lỏng lẻo. Do vậy phải có sự thay đổi cơ quan quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp của hoạt động giao thông.
C08 nhấn mạnh Bộ Công an luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành trong công tác quản lý với mục tiêu cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi nhất cho người dân.
Vì vậy, không có việc vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự như một số ý kiến nêu ra, mà quan trọng là thay đổi để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và vì mục tiêu chung, vì lợi ích của người dân, của đất nước.
Nói thêm, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT, cho biết dự thảo luật đã đưa ra đủ các thiết chế để kiểm soát hoạt động của lực lượng CSGT, tránh việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”, trong đó có quy định xử phạt qua hình ảnh và sự giám sát của nhân dân.
“Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu công khai tất cả dữ liệu về đào tạo, sát hạch GPLX, thậm chí là cả vấn đề tài chính của cơ sở đào tạo. Tất cả hành vi xử phạt của CSGT sẽ được lưu lại bằng dữ liệu điện tử chứ không có chuyện đôi co với người vi phạm” - Cục phó C08 nói.
“Mục đích chính không phải xử phạt” Trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Bộ Công an đề xuất quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m khi được chở trên ô tô chở người thì không được ngồi ở hàng ghế trước (ghế cạnh người lái xe), trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận, liên quan đến việc xác định độ tuổi cũng như chiều cao của trẻ liệu có khả thi. Về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng trước hết phải đưa quy định vào luật để hình thành thói quen văn hóa. Ví dụ khi CSGT hỏi cháu bé bao nhiêu tuổi, nếu trả lời 10 tuổi thì mời cháu ngồi sau, nếu cháu không nhớ tuổi thì hỏi cháu cao bao nhiêu. “Đó là yếu tố nhân văn, mục đích chính không phải là để xử phạt” - Cục phó C08 nói. |
TUYẾN PHAN
Nguồn: PLO