Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nhất định không xử lý kiểu "hòa cả làng"

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nhất định không xử lý kiểu "hòa cả làng"

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nhất định không xử lý kiểu "hòa cả làng"

(PLO) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu làm rõ thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục phải cụ thể, kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan.
Chiều 23-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp và chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh đang được dư luận quan tâm những ngày gần đây.
Không được né tránh, bao biện vụ chặt cây xanh
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, dư luận bức xúc trước việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh thời gian qua là có lý do chính đáng. Đó là vì những cơ quan thực hiện đã lựa chọn cách làm không phù hợp, không lường trước những hệ quả do việc làm của mình gây ra, trong đó có sự nôn nóng và giản đơn, cho dù chủ trương cải tạo, thay thế cây là đúng đắn và Thành phố đã thực hiện có kết quả trong nhiều năm qua.
Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan liên quan phải thể hiện tinh thần nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận lại từng vấn đề, từng việc đã làm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm, từ đó rút kinh nghiệm chung. Trước mắt phải nghiêm túc thực hiện việc dừng cải tạo, thay thế cây để đánh giá, rà soát, hoàn thiện tất cả các quy trình, thủ tục liên quan, làm rõ các tiêu chí đánh giá, phân loại để có căn cứ quyết định cây nào cần thay, cây nào không, với tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất việc thay những cây đã trồng.
Về vấn đề xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương việc thanh tra theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Thanh tra liên ngành phải làm rõ được thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục phải cụ thể. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan.

Những hàng cây trơ trụi trên đường phố Hà Nội

Việc xử lý trách nhiệm này phải bảo đảm tính kỷ cương, tinh thần nghiêm túc, cầu thị, nhất định không được né tránh, bao biện hay xử lý kiểu "hòa cả làng". Ngay khi có kết quả thanh tra, xử lý trách nhiệm liên quan phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan báo chí để công khai cho nhân dân được biết.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng trả lời 21 câu hỏi được nêu ra trong cuộc họp báo vừa qua, để gửi từng cơ quan báo chí. Nội dung trả lời phải đầy đủ, rõ ràng, chính xác, thuyết phục, không được bao biện, quanh co.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, vừa qua lãnh đạo Thành phố đã kịp thời nhận ra những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh của các cơ quan, đơn vị thực hiện, cũng như đã lắng nghe ý kiến dư luận; đã chỉ đạo các giải pháp nghiêm khắc, quyết liệt.
Đồng chí mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và người dân yêu mến Hà Nội về vấn đề chăm sóc, quản lý cây xanh nói riêng và sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, các cấp các ngành thành phố, đây là bài học quí báu trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần hết sức lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận báo chí để kịp thời điều chỉnh việc làm của mình, hạn chế thấp nhất những thiếu sót, khuyết điểm. Nhân dân rất nghiêm khắc, nhưng đồng thời cũng rất công bằng nếu chúng ta thực lòng tiếp thu, sửa chữa.
Trước đó, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã phân tích kỹ từng vấn đề, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh khiến dư luận bức xúc thời gian qua.

Cây mới trồng là giống cây mỡ, không phải cây vàng tâm

Cũng trong chiều ngày 23/3, hội thảo “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” đã được Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức.
Tại buổi Tọa đàm “Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” diễn ra chiều 23.3, nhiều nhà khoa học đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra vụ chặt cây xanh vừa qua tại Hà Nội.
GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, việc cây xanh bị bệnh là chuyện hết sức bình thường, điều quan trọng nằm ở việc chăm sóc, chữa bệnh cho cây: “Cây cũng như con người, bị bệnh thì phải cứu chữa, chứ không thể đem chôn ngay được. Tôi đi nhiều nước trên thế giới thấy họ cũng luôn tìm mọi cách để cứu cây, chứ không phải cứ thấy câu sâu bệnh là chặt hạ ngay”.

GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng đưa ra kiến nghị, việc thanh tra không phải nhiệm vụ của Hà Nội. “Theo tôi, Thủ đô không phải chỉ là của riêng Hà Nội mà là của cả nước. Vì vậy, việc thanh tra này phải do Thủ tướng quyết định,” giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam - cho biết đã lấy mẫu cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh đem về nghiên cứu và khẳng định, đó là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm.
“Mà là cây mỡ bình thường, gỗ không tốt, nó là nguyên liệu trồng để làm giấy ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái, đường kính 20cm đã cưa rồi. Bộ lá của nó thưa, nó không thể thích hợp ở đây được. Tôi dự đoán khả năng chết rất cao, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Hà Nội có lúc nắng nóng tới 40-45 độ thì khả năng chết rất cao”- ông Hiệp bày tỏ quan điểm.
Về mặt pháp lý, theo các chuyên gia, hành động chặt, thay thế cây xanh vừa qua ở Hà Nội đã vi phạm Luật thủ đô. Điều 14 Luật thủ đô nêu rõ, nghiêm cấm chặt phá rừng và cây xanh. Điều 10 quy định, để lập quy hoạch thiết kế đô thị của 4 quận quan trọng trong nội thành thì phải trình Thủ tướng xem xét quyết định. "Luật Thủ đô do chính Hà Nội xây dựng có điều khoản cấm chặt phá cây xanh, trừ trường hợp bất khả kháng", luật sư Trần Vũ Hải (Công ty Luật Hà Nội) dẫn chứng.
Nói thêm về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết, Nghị định 64 chỉ quy định 3 loại cây chặt không cần xin phép bao gồm: cây bị đổ và có nguy cơ đổ gây nguy hại, cây chết và cây nằm trong các dự án kinh tế phát triển.

Với các trường hợp khác, muốn chặt phải có đơn xin phép chặt cây nào, phải được chụp ảnh, địa chỉ ở đâu, lý do vì sao phải chặt. Tuy nhiên Hà Nội đã không tuân thủ những điều này./.
Minh Võ
Trích nguồn:http://baophapluat.vn
Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right