Báo New York Times (Mỹ) ngày 18.6 có bài xã luận về các hành vi chiếm đoạt (grab) đáng báo động của Trung Quốc trên Biển Đông, từ việc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam đến đổ cát xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
|
Theo bài xã luận, vài khía cạnh của việc Trung Quốc như một cường quốc mới nổi toàn cầu đã tạo ra nhiều bất ổn và nguy hiểm trong khu vực, khi nước này tiến hành chiến dịch kiểm soát Biển Đông, một đường hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế.
Ngày 18.6, tại Hà Nội, một quan chức cấp cao của Trung Quốc (ông Dương Khiết Trì - P.V) đã khăng khăng bảo vệ lập trường của Trung Quốc đối với việc hạ đặt giàn khoan dầu trên vùng biển Việt Nam mà cho rằng đó là của họ !
Quan hệ hai nước đang ở điểm thấp nhất kể từ chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1979 trở lại đây, và gây thêm lo lắng ở Washington và các nơi khác về những hành vi tiếp tục bắt nạt của Bắc Kinh trên vùng biển Đông giàu năng lượng vốn không chỉ Việt Nam mà các quốc gia nhỏ khác ở châu Á cũng tuyên bố có chủ quyền.
Bên cạnh việc hạ đặt giàn khoan, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền đối với nhiều bãi đá nằm rải rác trên biển Đông hiện nay bao gồm một bước ngoặt mới lạ: Đổ cát trên các rạn san hô và bãi cát ngầm để tạo ra đảo mới ở quần đảo Trường Sa (công trình xây dựng trái phép ở bãi đá Gạc Ma của Việt Nam bị TQ chiếm đóng trái phép - PV).
Tuy Việt Nam, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đã báo động việc xây dựng này, và tháng trước Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã lên án mạnh mẽ ở Shangri-La rằng đó là hành động "đơn phương, gây bất ổn" ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc đang cho thấy họ không có ý định thay đổi hành động của mình.
Quần đảo Trường Sa có ngư trường phong phú và được cho là chứa trữ lượng dầu khí lớn, và Trung Quốc có thể tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của mỗi một trong ba hoặc bốn hòn đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng. Các hòn đảo mới này, dự kiến có diện tích từ 8 - 16 ha, cũng sẽ phục vụ sức mạnh quân sự của Trung Quốc bằng cách cung cấp cơ sở cho việc trinh sát và tiếp tế.
|
Trung Quốc luôn nói rằng quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa và các đảo khác là thuộc về Trung Quốc. Nhưng Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, và vài nước ASEAN khác như Philippines, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố một phần với Trường Sa.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), đồng ý giải quyết các tranh chấp lãnh thổ "mà không dùng đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực". Tuy nhiên tuyên bố này không phải là sự ràng buộc pháp lý, và Trung Quốc đã lập luận rằng Việt Nam và Philippines đã phát triển vài công trình ở các đảo, mặc dù không có gia tăng thêm diện tích.
Vấn đề thực sự, trong mọi trường hợp, không phải là câu hỏi lộn xộn về chủ quyền, mà là cách Trung Quốc dường như tin rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc cho phép họ có lập trường tối đa trong tranh chấp lãnh thổ.
Chắc chắn rằng các quốc gia nhỏ hơn tiếp giáp Biển Đông sẽ không phải là đối thủ của Trung Quốc trong một cuộc chiến, nhưng nỗi sợ hãi và tức giận trước các hành động hung hăng của Trung Quốc đã gia tăng tại các nước này, và những căng thẳng này cũng gia tăng với Washington, dường như không có lợi cho Bắc Kinh và cũng không phù hợp với lời nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris vào tháng 3.2014 rằng "Con sư tử Trung Quốc đã thức giấc, nhưng đó là một con sư tử hòa bình, hòa nhã và văn minh".
Nhưng con sư tử đó không phải là con sư tử bây giờ đang gầm gào trên các vùng biển của Biển Đông, đe dọa sự ổn định và an ninh mà trên tất cả, Trung Quốc cũng đã và đang được hưởng lợi. Đó là tất cả lý do hơn nữa cho Bắc Kinh nên chú ý đến tuyên bố DoC năm 2002 về việc tự kiềm chế trong các hoạt động có thể làm phức tạp việc tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến hòa bình.
Anh Sơn
Trích nguồn: http://www.thanhnien.com.vn