Nhiều ý kiến tranh luận về việc dành thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành văn bản pháp luật. Ảnh: MH
(PLO) - Việc để cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản pháp luật nếu không được xác định cụ thể, rõ ràng sẽ rất lộn xộn.
Chiều qua , cho ý kiến vào Dự thảo Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL), Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thống nhất được vấn đề đặt ra trong dự thảo này, nhất là về hình thức văn bản pháp luật (VBPL) của các cấp sẽ được ban hành với mong muốn “phát quang được “rừng luật” hiện nay”.
Lo hình thức văn bản pháp luật của cấp huyện, cấp xã
Cho phép chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành VBPL hay không vẫn là nội dung có nhiều tranh luận. Chính phủ đã đưa ra 2 phương án. Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc kiến nghị, chỉ cấp Trung ương (TƯ) mới được ban hành VBPL để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhưng không phải tất cả các cơ quan TƯ đều có thẩm quyền này. Còn ở địa phương thì điều chỉnh bằng văn bản hành chính chứ không thể là VBPL, trừ các đặc khu được Quốc hội giao quyền.
Thông cảm với Chính phủ về những khó khăn trong điều chỉnh việc ban hành VBPL hiện nay, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường lo ngại: “Nếu để cấp xã ban hành VBQPPL thì sẽ rất nhiều”. Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền tán thành với đề xuất của Chính phủ dành quyền ban hành VBQPPL cho cấp huyện và xã vì đây là cấp chính quyền, nhưng “phải tính toán về cách thức để đảm bảo đó là các VBPL” - ông Hiền đề nghị.
Không phản đối việc dành thẩm quyền cho cấp huyện, cấp xã, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội lo lắng về hình thức VBPL do các cấp này ban hành vì hiện rất lộn xộn, nên chưa thực sự thỏa mãn với đề xuất của Chính phủ về vấn đề này. Đồng ý với bà Mai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Làm luật phải minh bạch, cấp huyện, cấp xã được ban hành loại VBPL nào thì phải qui định rõ chứ nói không được ban hành VBPL thì khó. Luật giao cho cơ quan, cá nhân nào ban hành văn bản gì thì cơ quan, cá nhân đó được ban hành”.
Nhân bàn về thẩm quyền ban hành VBPL, Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng đề cập đến tính khả thi của việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. “Lâu nay tính khả thi còn nhiều bất cập nên cần xem lại. Trong đó có trách nhiệm phối hợp các cơ quan còn hạn chế nên cần có cơ chế ngay từ đầu để tăng thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban, Hội đồng đối với công tác thẩm tra các dự án VBPL để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Nghĩa là cần có tiếng nói chung giữa các cơ quan” - ông Dũng nhấn mạnh.
Không cho Nghị định “không đầu” sẽ mất tính chủ động
Nhiều ý kiến tán thành với Dự thảo Luật tiếp tục quy định giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định những vấn đề mới, cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh (Nghị định “không đầu”) để điều chỉnh những vấn đề mới, cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh như quy định của luật hiện hành.
Bà Trương Thị Mai cũng đồng ý cho phép Chính phủ ban hành các nghị định điều chỉnh những vấn đề mới vì nếu không sẽ rất khó cho công tác điều hành. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị qui định rõ điều kiện, tiêu chí để Chính phủ có căn cứ thực hiện quyền này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng quan tâm đến tính linh hoạt của các VBPL phục vụ cho công tác điều hành của Chính phủ nên đề xuất, “để Chính phủ ban hành các Nghị định “không đầu” mà không cần thiết đưa ra UBTVQH, miễn là đúng pháp luật để Chính phủ chủ động ban hành nhưng có sự phân công, kiểm soát. Việc ai nấy làm có giám sát mới đảm bảo sự chủ động”. Ông Phúc cũng đề nghị nghiên cứu rút ngắn ngay từ các công đoạn, thay đổi qui trình xây dựng VBPL vì hiện nay, “Qui trình ban hành VBPL đang theo qui trình kép, dài nhiều tầng nấc, tốn thời gian”.
Hương Hương
Trích nguồn:http://baophapluat.vn