9 người dân phải nuôi 1 người hưởng ngân sách

9 người dân phải nuôi 1 người hưởng ngân sách

(PL)- GS-TS Hoàng Chí Bảo cho rằng chúng ta đang công chức hóa toàn bộ hệ thống nên mới dẫn đến tình trạng nhiều công chức như hiện nay.

Tại cuộc hội thảo về Chính phủ và chính quyền địa phương được Bộ Nội vụ tổ chức cuối tuần qua, nhiều chuyên gia tiếp tục lên tiếng cảnh báo về việc “bộ máy vẫn phình và biên chế vẫn lớn”.

Không nên “công chức hóa” hệ thống chính trị

GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kể rằng khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam, ông đã rất ngạc nhiên khi nghe thông tin dân số Việt Nam chỉ bằng 25% dân số nước Mỹ nhưng công chức Việt Nam lại đông hơn.

“Một tình trạng phi lý như thế không thể nào chấp nhận được và sẽ không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như vậy” - GS-TS Hoàng Chí Bảo nói và cho biết ông không tán thành chuyện liên hiệp hội... cũng nằm trong hệ thống chính trị. “Cái gì cũng là chính trị thì chính trị trở nên tầm thường…” - GS-TS Hoàng Chí Bảo nói.

Cũng theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, chúng ta đang công chức hóa toàn bộ hệ thống nên mới dẫn đến tình trạng nhiều công chức như hiện nay. Công chức là người của bộ máy công quyền, cán bộ đoàn thể là người hoạt động xã hội, không phải công chức nên Quốc hội phải phân bổ ngân sách thế nào để các đoàn thể có thể hoạt động độc lập, không lệ thuộc, không phụ thuộc. “Người ta trả lương cho anh thì sao anh đi phản biện, cãi người ta” - vẫn lời GS-TS Hoàng Chí Bảo.

GS Bảo cho rằng thước đo quan trọng nhất là sự hài lòng của người dân, từ đó đánh giá hiệu quả, uy tín, hiệu lực của bộ máy.

9 người dân phải nuôi 1 người hưởng ngân sách - ảnh 1
GS-TS Hoàng Chí Bảo cho rằng không nên công chức hóa toàn bộ hệ thống chính trị. Ảnh: Đ.MINH

Đừng có chuyện gì cũng dồn lên trên

Là người từng có thời gian dài tham gia vào quá trình xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, cựu thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết ông từng đề xuất trong giai đoạn 2001-2010, bộ máy sắp xếp còn dưới 20 bộ là hợp lý. “Các nước phát triển chỉ có 10-12 bộ, đặc biệt có Thụy Sĩ chỉ bảy bộ” - ông Phúc dẫn chứng.

“Phải làm như vậy bộ máy mới gọn nhẹ, mới giải được bài toán “bộ máy vẫn phình và biên chế vẫn lớn”. Chứ bây giờ cứ ôm tất từ trung ương đến địa phương thì tài thánh cũng không thể giảm được bộ máy, biên chế” - ông Phúc nói và lưu ý không phải việc gì cũng trình lên Thủ tướng.

“Nếu không rành mạch thì không rõ người, rõ việc, không xử lý được thì cuối cùng là tập thể hết. Mà tập thể thì khó xử lắm và không phát hiện được nhân tài” - ông Phúc nói thêm.

Đồng tình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng tư tưởng cải cách là làm sao để càng lên trên càng ít việc chứ không phải càng lên trên càng nhiều việc như hiện nay.

Cùng quan điểm này, GS-TS Hoàng Chí Bảo phân tích, cấp càng cao việc ít đi nhưng trách nhiệm cực kỳ lớn. Còn bên dưới là hành động và tác nghiệp. “Tôi rất muốn các văn bản trình Trung ương phải nhấn mạnh cho được ý này: Một tổ chức, một nền hành chính công khoa học, minh bạch, hợp lý, hiện đại, cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại thì phải hợp lý và được pháp chế hóa. Không hợp lý thì phải xóa bỏ đi...” - GS-TS Hoàng Chí Bảo đề nghị.

Nên có luật về phân quyền?

“Muốn Chính phủ làm việc lớn thì phải tính đến mối quan hệ giữa Chính phủ và địa phương và tinh thần là phân định thẩm quyền mạnh cho địa phương, trung ương chỉ tập trung vào những việc lớn” - ông Liên nói và cho rằng “bây giờ nói thật là chúng ta còn ôm đồm nhiều quá, sinh ra quan liêu, sinh ra cơ chế xin-cho, không kiểm soát được thì sinh ra tiêu cực”.

Cũng đề cập đến việc phân quyền cho địa phương, PGS-TS Phạm Hồng Thái (nguyên Chủ nhiệm khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề: “Cái gì đã giao cho địa phương rồi thì xin mời trung ương không được can thiệp. Nếu có, tôi có thể khởi kiện ra tòa án. Mình có dám đi đến cùng thế không?”. Ông Thái cho rằng nếu không đi đến cùng như vậy thì làm gì cũng phải xin ý kiến bên trên, đẩy việc lên.

“Các anh nói trách nhiệm chính trị nhưng không xác định đấy là việc của họ, không cho họ quyền khởi kiện nếu bên trên can thiệp vào việc đã giao quyền cho họ thì vướng họ cứ đẩy lên trên” - ông Thái nói.

“Ngoài luật chính quyền địa phương cần có luật về phân quyền” - cựu Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc đề xuất.

Trong khi đó, PGS-TS Đinh Dũng Sĩ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, lại cho rằng quản lý bộ máy, tổ chức và biên chế công chức mà phân cấp, phân quyền về địa phương thì không ổn. “Không cẩn thận phân cấp thành buông, mà buông về tổ chức bộ máy thì không ổn” - ông Sĩ nói.

Tỉ lệ công chức, viên chức cao nhất châu Á

Trong tham luận gửi tới hội thảo, TS- Phạm Duy Nghĩa (ĐH Fulbright Việt Nam) dẫn lại số liệu của Bộ Nội vụ cập nhật đến tháng 3-2018, nước ta có gần 137.000 khóm, xóm, tổ dân phố; 11.162 xã, phường; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người.

“Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân chín người Việt Nam phải nuôi một người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách. Nước ta nghèo và yếu, một phần cũng bởi hiện trạng này” - ông Nghĩa bình luận trong bài viết.

Cũng theo TS Phạm Duy Nghĩa, đối chiếu với hiện nay và cho năm 2019 sắp tới, tổng biên chế chỉ riêng cho bộ máy công chức nước ta đã là gần 260.000 người. Tỉ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số ước tính ở Việt Nam là 4,8%, đây là mức cao nhất so với các quốc gia châu Á.

Từ thực tế này, ông Nghĩa cho rằng cần tách dần công vụ, công chức ra khỏi các nhà chính trị trung ương và địa phương; các viên chức làm việc theo hợp đồng trong khu vực công. Đồng thời từng bước tách dần các tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp ra khỏi khu vực công. Đây là những chiến lược đúng, đã và đang từng bước được thực hiện ở nước ta.

ĐỨC MINH

Nguồn : PLO.VN

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right