Tại cuộc họp khẩn bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông chiều 11/9, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, thừa nhận, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang phải rào chắn đoạn đường dài 5,5 trên tổng số 6,7 km và khu vực 8 ga trên cao trên tuyến Xuân Thủy, Cầu Giấy. Diện tích đường bị rào chắn 4m lòng đường nên xảy ra ùn tắc tại các ga Chùa Hà, ga Đại học Quốc gia... Ban quản lý dự án cam kết vào giờ cao điểm sẽ bố trí thêm người hướng dẫn giao thông và giải quyết các điểm úng ngập trên tuyến khi trời mưa.
Tương tự, trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang tồn tại 3 điểm ùn chính. Trong đó, ga Đại học Quốc gia (đường Nguyễn Trãi) đã được đơn vị thi công đóng kín và thu hẹp đà giáo trong công trường để giảm ùn tắc giao thông. "Mong người dân thông cảm, chia sẻ với những khó khăn bất khả kháng của dự án", ông Lê Văn Dương, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, nói.
Ngay khi đại diện ban quản lý dự án đường sắt báo cáo, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho rằng bến xe Hà Đông là điểm ùn tắc nghiêm trọng nên cần mở sớm rào chắn, trả mặt bằng ngay từ thứ 2 tuần tới. Mặc dù mở rào chắn, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của dân.
![]() |
Đại tá Đào Vịnh Thắng đề nghị rút giấy phép những đơn vị thi công chậm tiến độ. |
Khẳng định lỗi do các đơn vị thi công hạ tầng rất chậm chạp, ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra giao thông Hà Nội, cho biết, có tuyến đường sắt đô thị chỉ có 1-2 đơn vị thi công hàng ngày trong khi phải tận dụng thi công từng ngày. Lực lượng thanh tra giao thông đã phải nhắc nhở, nếu tiếp tục tái phạm sẽ có văn bản xử lý.
"Thi công các đoạn này chỉ thu hẹp theo từng mét song đơn vị muốn ngăn đường dài để đảm bảo an toàn, nên đây là nguyên nhân phát sinh ùn tắc", ông Hải nói.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Sở Giao thông Nguyễn Xuân Tân bức xúc: "Sở Giao thông yêu cầu kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm, không thể làm theo kiểu dềnh dàng và chúng tôi sẽ báo cáo thành phố xử lý các Ban quản lý dự án".
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, nêu nguyên nhân, nhiều công trình hạ tầng xây dựng dang dở đã thu hẹp mặt đường, từ 11-12 m xuống còn 5-6 m. Trong khi đó, dân số Hà Nội hiện là 7 triệu người, chưa tính cán bộ các tỉnh về làm việc, sinh viên nhập học khiến lưu lượng gấp lên nhiều lần so với các tháng trước. Số lượng phương tiện cá nhân gia tăng hàng tháng khoảng 4.000 ôtô, 15.000 xe máy.
"Người dân đi lại nhiều như vậy, ngày mưa càng tăng phương tiện. Chúng ta đang chịu cảnh phải đi chậm, ùn ứ. Tôi cho việc đó là bình thường trong điều kiện địa bàn thủ đô hiện nay", ông Đào Vịnh Thắng nói.
Nguyên nhân khác là đơn vị thi công quá chậm chạp, trong khi chiếm dụng diện tích đường lớn và không hoàn trả mặt đường sau khi thi công gây mất an toàn. "Phải đặt vào vị trí người tham gia giao thông và người thực thi nhiệm vụ. Các điểm không hoàn trả mặt bằng phải truy tố người liên quan", Đại tá Đào Vịnh Thắng bày tỏ.
![]() |
Cảnh thường xuyên xảy ra tại một tuyến đường huyết mạch của Hà Nội. |
Đại tá Đào Vịnh Thắng đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải đình chỉ ngay các đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ sau nhắc nhở lần thứ ba và phải kiểm tra các đơn vị này thường xuyên. Nếu các đơn vị này gây hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông sẽ bị khởi tố.
Chốt lại cuộc họp, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đánh giá tình trạng ùn ứ giao thông trong hai tuần vừa qua do phương tiện tăng nhanh gây áp lực hạ tầng giao thông. Sinh viên tựu trường gây đột biến lưu lượng, cộng với thời tiết bất lợi... là những nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan là do các công trình thi công đã làm giảm 2/3 mặt đường. Trong khi đó, nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc giấy phép thi công.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thống nhất phối hợp các giải pháp với Công an Hà Nội khắc phục các tuyến đường thường xuyên ùn tắc như tổ chức xén hè, tháo rào chắn. Điểm nào không thi công thì phải tháo rào chắn ngay.
Đặc biệt, ông Viện cho rằng các quận trọng điểm phải bố trí lực lượng thanh tra giao thông, công an để hướng dẫn người dân. Nếu các lực lượng cùng làm tốt nhiệm vụ sẽ giảm ùn tắc.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn có 12 công trình hạ tầng quy mô lớn đang thi công, 21 điểm nguy cơ ùn tắc cao, 23 điểm úng ngập do mưa lớn, làm ách tắc nhiều nhất là hầm Khuất Duy Tiến, Nhổn - ga Hà Nội, đường 5 kéo dài đoạn Nguyễn Văn Cừ, Đại Cồ Việt, Hoàng Quốc Việt... |
Đoàn Loan
Trích nguồn:vnexpress.net