(PL)- Việc “tạm giam mút chỉ” vẫn xảy ra dù pháp luật tố tụng hình sự đã quy định rõ thời hạn tạm giam và việc gia hạn tạm giam.
Việc VKSND Tối cao ban hành hướng dẫn “siết” thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 1-7 tới (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 27-6 có bài viết “Hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, được trả tự do), gợi nhớ vụ “kỳ án” Đặng Nam Trung, nguyên giám đốc Công ty Đầu tư phát triển du lịch và khoa học kỹ thuật thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, bị truy tố về tội tham ô tài sản.
Tạm giam 6 năm 2 tháng 1 ngày
Đây là vụ án giữ kỷ lục trong lịch sử tố tụng hình sự về số lần gia hạn tạm giam bị can (44 lần). Ngoài ra, vụ án có10 bản kết luận điều tra, bảy lần tòa mở phiên xử, hàng chục phiên tòa bị hoãn…
Theo hồ sơ, năm 1998, với tư cách là giám đốc công ty, ông Trung đã ký hợp đồng với một công ty nước ngoài mua một máy sàng nghiền đá trị giá hơn 997 USD. Ông Trung đề nghị người đại diện công ty này nâng khống 25% giá hợp đồng thành hơn 1,3 triệu USD để bỏ túi hơn 300.000 USD (hơn 4 tỉ đồng); nhờ “đối tác” ký khống giấy biên nhận… và chỉ đạo phòng kế toán chi tiền trả nợ cho... chính mình. Ông Trung bị bắt, bị truy tố về tội tham ô tài sản. Sau nhiều lần bị kết án rồi hủy án, trong phiên xử sơ thẩm lần thứ bảy ngày 4-2-2010, TAND TP.HCM đã phạt ông Trung mức án sáu năm hai tháng một ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) về tội cố ý làm trái và trả tự do cho ông ngay tại tòa.
Câu hỏi đặt ra là vì sao cơ quan điều tra phải gia hạn tạm giam đối với ông Trung tới 44 lần trong suốt quá trình tố tụng? Có lẽ không có lý do nào khác ngoài việc cần có thời gian để củng cố chứng cứ nhằm chứng minh hành vi phạm tội của ông Trung.
Ông Đặng Nam Trung, người từng bị gia hạn tạm giam đến 44 lần. Ảnh: T.TÙNG
Phải có điểm dừng
Thực ra thời hạn tạm giữ, tạm giam là câu chuyện không mới, có chăng chỉ là cách người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thế nào cho đúng. Điều 120 và 303 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 quy định cụ thể: Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ tạm giam thì cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn.
BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7) quy định rút ngắn thời hạn này: Đối với tội phạm nghiêm trọng là một tháng, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là hai tháng (khoản 2 Điều 173)... Nếu người bị buộc tội dưới 18 tuổi, thời hạn tạm giam bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên (Điều 419).
Thực tế cho thấy thời hạn tạm giữ thì có thể “siết” chặt, còn thời hạn tạm giam (trừ những vụ án đơn giản) thì rất khó nếu không muốn nói là… không thể. Bởi với những vụ án nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng liên tục bị hủy, bị điều tra, xét xử kéo dài thì quy định về thời hạn tạm giam trong BLTTHS 2003 hay 2015 có khi không còn ý nghĩa. Vẫn còn những người bị tạm giam vô thời hạn và tạm giam cho đến khi nào tòa kết án được mới thôi. Trong khi đó, luật không hề quy định cụ thể tòa được hủy án để điều tra lại và điều tra bổ sung bao nhiêu lần.
Như vậy, vấn đề đặt ra là tạm giam cần có điểm dừng và việc xét xử cũng phải có điểm dừng. Với các vụ án mà chứng cứ buộc tội không vững chắc, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì tòa không nên trả hồ sơ tới lui khiến thời gian tạm giam bị kéo dài. Hãy dùng quyền năng của mình mà pháp luật giao để quyết định bằng bản án, trên nguyên tắc cơ quan tố tụng có nghĩa vụ phải chứng minh hành vi phạm tội, nghi can không có trách nhiệm phải đưa ra bằng chứng để chứng minh mình vô tội.
Ngoài ra, pháp luật về tố tụng hình sự đã quy định rõ việc gia hạn tạm giam (số lần gia hạn) để điều tra. Vì vậy, cơ quan điều tra, truy tố đừng viện lẽ “án phức tạp” để kéo dài tình trạng tạm giam.
Có như vậy mới giải quyết được tình trạng vi phạm về thời gian tạm giam, tạm giữ và tinh thần của BLTTHS 2015 mới được lĩnh hội một cách đầy đủ.
THANH TÙNG
Trích nguồn:plo.vn